357 Lê Hồng Phong, P.2, Q.10, TP.HCM 1900 7060 info@duhocnhat.com

Trải nghiệm lễ hội mùa hè tại Nhật Bản

Mục lục bài viết

    Với đặc trưng khí hậu đa dạng, mỗi mùa của Nhật Bản đều là mùa lễ hội, và tất nhiên phải kể đến mùa hè, bởi đây là thời điểm vàng mà bạn có thể chiêm ngưỡng được thiên nhiên hùng vĩ của xứ sở mặt trời mọc và cùng đắm chìm trong một không gian văn hoá truyền thống của những lễ hội đặc sắc chỉ có ở đất nước Phù Tang này. Mùa hè của Nhật Bản bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào tháng 9, xuyên suốt 3 tháng là khoảng thời gian của nhiều hoạt động lễ hội náo nhiệt không chỉ người dân Nhật Bản mong đợi mà còn thu hút rất nhiều khách du lịch quốc tế. Cùng Phuong Nam Education khám phá mùa lễ hội Nhật Bản có những sự kiện gì nhé.

    Các lễ hội mùa hè tổ chức theo trình tự thời gian

    • Tháng 6: Lễ hội Sanno của Đền Hie ở Tokyo, Lễ hội Chagu-Chagu Umakko.
    • Tháng 7: Lễ hội Tanabata, Lễ hội Bon Festival, Lễ hội lửa được tổ chức tại đền Nachi Himatsuri, Lễ hội Hakata Gion Yamakasa tại Fukuoka, Lễ hội Gion tại cố đô Kyoto, Lễ hội pháo hoa trên sông Sumida ở Tokyo, Lễ hội âm nhạc Kangensai được tổ chức tại Đền Itsukushima tại Hiroshima, Lễ hội Tenji của Đền Tenmangu ở Osaka. 
    • Tháng 8: Lễ hội Nebuta Matsuri ở Aomori, Lễ hội Kanto Matsuri ở Akita, Lễ hội múa Hanagasa ở Yamagata, Lễ hội Odori ở Tokushima, Lễ hội Daimonji Bonfire ở Kyoto.

    Mùa hè là mùa lễ hội ở Nhật

    Mùa hè là mùa lễ hội ở Nhật

    Những lễ hội mùa hè không thể bỏ qua

    Lễ hội pháo hoa Sumidagawa

    Lễ hội Sumidagawa Hanabi Taikai được xem là một “Bữa tiệc pháo hoa” của Nhật Bản, hàng ngàn pháo hoa lộng lẫy sẽ được bắn liên tục ở hai điểm là là quận Taito nơi có ngôi đền Senji và Tokyo bên bờ sông Sumida.

    Khởi nguồn của lễ hội Sumida là vào năm 1732, Nhật Bản liên tục gặp phải nhiều thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng cùng với đó sâu bệnh làm thiệt hại mùa màng. Hậu quả là người dân Nhật phải hứng chịu nạn đói hoành hành, hàng ngàn người thiệt mạng, khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh lây lan. Chính vì thế từ năm 1733, từ đời Mạc Phủ thứ 8 đã tổ chức lễ tế Thuỷ Thần đồng thời bắn pháo hoa ở khu vực hai bên bờ sông Sumida nhằm an ủi linh hồn những nạn nhân thiệt mạng đồng thời cầu mong cuộc sống nhân dân ấm no và nền kinh tế khởi sắc. Kể từ đó vào vào chủ nhật thứ 4 của tháng Bảy hằng năm pháo hoa sẽ được bắn tại bờ sông Sumida, trong dịp này người Nhật sẽ cùng gia đình, bạn bè của họ đến bờ sông quây quần ăn uống và tận hưởng không khí lễ hội cùng đông đảo mọi người khắp nơi đổ về.

    Lễ hội pháo hoa Sumidagawa

    Lễ hội pháo hoa Sumidagawa

    Tanabata - Lễ Thất Tịch

    Lễ hội Tanabata còn được gọi là Lễ hội Sao là một trong những lễ hội đẹp và lãng mạn nhất trong các lễ hội truyền thống của Nhật Bản. Được tổ chức dựa theo cuộc gặp gỡ giữa hai vị thần Orihime (Sao Chức Nữ) và Hikobishi (Sao Ngưu Lang) diễn ra vào ngày 7 tháng 7 hằng năm.

    Lễ hội Tanabata đã trở nên phổ biến rộng rãi từ thời Edo. Vào thời điểm này, những cô gái có người yêu đi làm ăn xa đều viết lên những vạt vải hình chữ nhật dài và treo lên những nhánh tre, tựa như những dải ngân hà - gửi thương nhớ và cầu mong ngày sớm được trùng phùng với người thương của họ. Ngày nay, vào ngày Tanabata mọi người vẫn còn giữ thói quen viết những lời cầu nguyện vào một mảnh giấy nhỏ nhiều màu sắc (tanzaku) và sau đó treo chúng lên cành trúc, có kèm theo những đồ trang trí.

    Ở ba thành phố Sendai (tỉnh Miyagi), thành phố Hiratsuka (tỉnh Kanagawa) và thành phố Anjou (tỉnh Aichi) là nơi tổ chức lễ hội Tanabata lớn nhất Nhật Bản. 

    Lễ hội Tanabata -  Lễ Thất Tịch

    Lễ hội Tanabata -  Lễ Thất Tịch

    Lễ Obon - Lễ Vu Lan của người Nhật

    Lễ Obon mang nhiều nét tương đồng với ngày rằm tháng 7 “Vu Lan báo hiếu” trong văn hoá của người Việt nam, đây là dịp con cái bày tỏ sự biết ơn đến ông bà tổ tiên. Lễ Obon được cho là bắt nguồn từ ngày Lễ Vu Lan ở Trung Quốc, là sự kết hợp Vu Lan Bồn (Ullabam) của Phật giáo và đạo giáo Trung Nguyên. Khi du nhập sang Nhật Bản, từ Ullabama được rút gọn thành Obon.

    Vào dịp lễ hội Bon hay Obon những đứa con trong gia đình thể hiện sự biết ơn với cha mẹ và tưởng nhớ linh hồn của ông bà tổ tiên, thể hiện lòng biết ơn và cầu nguyện cho các linh hồn, cũng thể hiện tấm lòng của những người còn sống dành cho những người đã khuất.

    Người xưa quan niệm “đốt lửa để dẫn lối những người đã khuất về”

    Người xưa quan niệm “đốt lửa để dẫn lối những người đã khuất về”

    Thông thường lễ hội sẽ kéo dài trong vòng 5 này còn tuỳ theo từng khu vực. Ngày đầu tiên, mỗi gia đình sẽ bày mâm quả gồm dưa chuột và cà tím có gắn tăm tre để tạo hình con vật ngựa và bò. Ngựa là phương tiện để người người khuất mau chóng trở về với dương gian, còn bò là khi kết thúc lễ hội để cưỡi thong thả về thế giới bên kia. Ngày tiếp theo, người ta đốt những cành cây Ogara hoặc đốt lồng đèn thay cho lửa treo trước nhà để dẫn lối cho linh hồn của tổ tiên về. Hai ngày tiếp theo là hai ngày lễ hội chính của Obon, mọi người sẽ cùng nhau đi viếng mộ, lau chùi, dọn dẹp vệ sinh phần mộ, cúng kiến và bày mâm quả để đón những người đã khuất về thăm nhà. Ngày cuối cùng, con cháu trong nhà sẽ dâng bánh Okuridango để đưa tiễn ông bà, ngày này còn được gọi là ngày Đưa lửa (Okuribi). Cũng như ngày đầu tiên, người ta sẽ dùng lửa hay đốt lồng đèn thả trên sông để tiễn người thân trở về lại thế giới bên kia.

    Ngày lễ Vũ lan của Nhật Bản

    Ngày lễ Vũ lan của Nhật Bản

    Lễ hội Gion - Một trong những lễ hội lớn nhất Nhật Bản

    Nguồn gốc của lễ hội được cho là bắt nguồn từ băm 869 khi Nhật Bản rơi vào cơn khủng hoảng bởi bệnh tật hoành hành. Nhật hoàng đã cho làm 66 cỗ xe hoành tráng tượng trưng cho 66 tỉnh thành lúc bấy giờ rồi cùng nhau đến đền thờ Yasaka để cầu nguyện với mong muốn đẩy lùi bệnh tật. Lễ hội Gion bắt đầu từ đó và được giữ gìn cho đến tận bây giờ, đại diện cho nét văn hoá truyền thống của người Nhật Bản nói chung và người dân Kyoto nói riêng. 

    Lễ hội được tổ chức vào tháng 7 hằng năm, điều đặc biệt là nó được tổ chức xuyên suốt một tháng với nhiều hoạt động khác nhau. Trong đó sự kiện chính của lễ hội Gion là cuộc diễu hành Yamabiko Yunko diễn ra vào ngày 17 và ngày 24 tháng 7 được nhiều người biết đến và quan tâm nhất, 33 cỗ xe rực rỡ sẽ được diễu hành qua các con phố kéo dài từ 9 giờ sáng đến 1 giờ chiều. 

    Kiệu hoa sẽ được diễu hành xuống đường từ 9 giờ đến 13 giờ

    Kiệu hoa sẽ được diễu hành xuống đường từ 9 giờ đến 13 giờ

    Ngoài ra, Lễ hội Gion còn có nhiều hoạt động phong phú và tổ chức hoành tráng. Từ các buổi lễ dựng kiệu, đến buổi lễ thử kéo kiệu, nghi thức thánh tẩy Mokoshi, đặc biệt về đêm còn có rất nhiều các hoạt động sôi nổi và đặc sắc như: Đêm hội Yoiyoi Yoiyami, đêm hội Yoiyoi Yama, đêm hội Yoiyama… Trong thời điểm diễn ra lễ hội bạn có thể thưởng thức rất nhiều món ăn truyền thống của Nhật Bản trên phố như bánh cá nướng, bánh bạch tuộc và các loại bánh ngọt…

    Mặc gì để thoải mái trải nghiệm lễ hội mùa hè

    Về trang phục tham gia lễ hội mùa hè bạn hoàn toàn có thể thoải mái mặc những bộ đồ yêu thích của mình, nhưng để tận hưởng đúng chất không khí lễ hội mùa hè của Nhật Bản theo phong cách Nhật đừng quên diện lên mình những bộ Yukata đầy màu sắc - là một loại kimono điển hình mà bất kỳ người Nhật đều sẽ mang vào dịp lễ hội mùa hè. Không khó khi bạn có thể tìm thấy những bộ Yukata trong các cửa hàng quần áo Nhật với mức giá tương đối hoặc bạn có thể thuê nó tại của hàng, sau khi tham gia lễ hội xong có thể trả lại. Đúng chuẩn phong cách Nhật bạn đừng quên đôi guốc Geta (một loại giày truyền thống của Nhật), Kinchaku (một chiếc túi dây rút) và một chiếc Uchiwa (quạt gió) vì thời tiết mùa hè khá nóng bức đấy.

    Yukata là trang phục lễ hội hè

    Yukata là trang phục lễ hội hè

    Trên đây là một số thông tin về lễ hội mùa hè ở Nhật, bên cạnh đó còn rất nhiều hoạt động mùa hè được yêu thích như đi biển hay leo núi Phú Sĩ cũng là một trong những hoạt động được nhiều người chọn lựa. Vì vậy, nếu các bạn đang học tập và làm việc tại Nhật Bản hãy thử trải nghiệm lễ hội mùa hè nổi tiếng ở xứ sở hoa anh đào nhé!

     

    Tags: Lễ hội mùa hè Nhật Bản, trải nghiệm lễ hội hè, lễ hội pháo hoa Sumidagawa, lễ hội Obon, lễ hội Tanabata, lễ thất tịch Nhật Bản, lễ Vu lan Nhật Bản, lễ hội Gion

    Tư vấn miễn phí

    Để lại số điện thoại
    để được Phuong Nam Education liên hệ tư vấn

    Hoặc gọi ngay cho chúng tôi:
    1900 7060

    Gọi ngay
    Zalo chat